Hưng Đạo Vương Trần Quốc Tuấn hay dân gian vẫn gọi với cái tên quen thuộc mà tôn kính nhớ ơn “Đức Thánh Trần” một danh nhân văn hoá, một nhà quân sự đại tài của nhân loại, một vị thánh trong lòng nhân dân, một đạo chủ của một dòng tín ngưỡng dân gian, tín ngưỡng Đức Thánh Trần. Có biết bao nhà nghiên cứu, nhà sử học, nhà tâm linh học, nhà quân sự đã viết về ông một người con của nước Việt Nam ta có thể nói rằng: ” Sinh Vi Lương Tướng, Tử Vi Thần”. Sống hông làm tướng khi thác ông làm thần đó là Hưng Đạo Đại Vương, một nhà quân sự, một danh nhân, một vị Thánh đại nhân, đại lễ, đại nghĩa, đại tín, đại dũng, một vị Cha trung trong lòng dân tộc Việt Nam.
Nói đến Hưng Đạo Vương cũng là nói đến một dòng tín ngưỡng mang tính saman giáo, một dòng đồng thánh. Thường đồng nhà trần phải do các vị thánh trần triều chon lựa và đánh dấu son hoặc nhắc qua các giấc mộng có người vừa là đồng Tứ phủ lại vừa là đồng Trần gọi là đồng “kiêm tri đôi nước”. Những người này có khả năng áp vong liền chứ không cần phải dùng đến một thanh đồng tứ phủ để dẫn vong. Tôi thường được nghe ông nội kể lại với hình thức hầu đồng trong điện Đức Thánh Trần xưa thường được hầu với một giá duy nhât để tróc tà, và người được các thánh về ngự phải là thanh đồng, thường là thanh đồng sát căn Trần Triều những người này thường là “kiêm tri đôi nước” ( cả Tam-Tứ Phủ), bởi tín ngưỡng Tứ phủ theo các cụ cao nhân kể lại và bản thân tôi cũng trải ngiệm qua các cụ đồng lão thành trước đây thường nói: “tín ngưỡng Tứ phủ chúng ta có thể giao tiếp với cõi âm” quả thật nó được coi như là sứ giả giữa tam cõi mà ở bất cứ điện Mẫu nào các bạn cũng có thể thấy được những người bị áp vong lắc lư quay tròn như không thể điều khiển được vậy. Thực chất của dòng tín ngưỡng Đức Thánh Trần thường là dòng pháp nhiều hơn dòng thanh Đồng. Với truyền thống nho gia nâu đời của ông cha tôi có được nghe ông nội kể rất nhiều về dòng đồng nhà trần tôi xin đưa cho các bạn trình tự một vấn hầu nhà trần sau đây để chúng ta tiện việc tham khảo.
Cách đây hơn hai mươi năm tôi các cụ tổ tiên vốn dòng dõi thanh đồng Trần Triều như Cụ Phúc, cụ đồng Thái ( xóm Phúc Hậu Lũng Sơn TTL Tiên Du Bắc Ninh) thường kể tôi nghe về dòng đồng nhà Trần ( đồng thánh ) thường chỉ hầu trừ tà ma và trị các bệnh phụ nữ, hậu sản mà chúng ta gọi là bệnh Phạm Nhan. Trước tiên, khi vào một vấn hầu đồng nhà trần thường phải bày đàn cúng thỉnh.
Trình tự khóa lễ thỉnh như sau:
– Sái tịnh đàn tràng
– Cúng phát tấu nghi
– Thỉnh phật
– Tuyên kinh
– Cúng Tam Phủ
– Cúng thỉnh trần triều khoa
– Trịch sai văn Trần triều
– Thỉnh ngũ hổ
– Khao thỉnh chúng sanh
Song xuôi mới bắt đầu vào hầu mà chỉ hầu một giá duy nhất, các thanh đồng cũng không mặc quần áo trang phục dườm già như hiện nay, mà thường mặc quần trắng , áo the khăn xếp, đồ vàng mã chỉ gồm có tiền vàng không như hiện nay với đủ thứ ngựa mã thuyền thoi, voi rồng. Hiện nay các thanh đồng hầu thánh thường phải có đủ cung văn đàn, ca, sáo nhị… Nhưng trước đây chỉ dùng những bài kiều hay còn gọi là Trịch Sai được tấu ngâm bởi tiếng thanh la và tiếng trống chiêng, chuông mõ. Một vấn hầu của thời trước 1945 đối với thanh đồng Trần Triều chỉ có một giá hầu duy nhất mà khi thỉnh trung trong bài thỉnh vị nào giáng sẽ làm việc trị bệnh trừ tà. Tôi xin trích đưa ra bài kiều Thỉnh các Vị nhập đồng trong cuốn Trần Triều Hiển thánh chư Khoa Như sau:
“Phục dĩ: Thánh Đức nguy nguy tốc giáng uy linh chi hiển hách, thần công đãng đãng hoằng thôi cứu trợ tri nhân ân hữu cảm tất hanh thông. Đệ tử kiền thành nhất tâm khải thỉnh.
Ngưỡng khải Hưng Đạo Nhân Vũ Vương
Phụ tá Trần Triều Tức Mặc hương
Nam thiên tú khí tài vô Bắc,
Bắc địa uy danh thế mạc đương
Tổng thống thiên binh trừ quỷ mị
Kiêm cai địa phủ diệt hung ương,
Bạch Đằng trảm Phạm phân đầu túc,
Đông Hải dương ba khí lộ giang
Kim nhật kim thời thần phụng thỉnh.
Nguyện kỳ giáng phó ứng tĩnh đường
Ngưỡng khải phò mã đại pháp minh
Vi cư đệ nhất giáng uy linh
Dung nghi lẫm lẫm sơn hà chấn
Khí thế oanh oanh quỉ mị kinh
Quản cai lưỡng quốc thiên địa giới
Quyền chưởng chư tri thủy bộ binh
Trọc phọoc tà gian tiêu ngũ khí
Khu trừ long phạm diệt thiên tinh
Kim nhật kim thời thần phụng thỉnh.
Nguyện phù đệ tử thọ khang ninh
Ngưỡng khải hoàng tử pháp linh không
Vi cư đệ nhị giáng đàn trung
Hành phong hành vũ du tam giới
Như điện như lôi chấn cửu trùng
Thủ chấp kim qua bình ngô tặc
Chưởng trì Ngọc kiếm trảm Nguyên hung
Tróc tà phọoc quỉ thiên thiện chúng
Bảo quốc hộ dân thế thế long
Kim nhật kim thời thần phụng thỉnh
Nguyên phù đệ tử lộc tăng vinh
Ngưỡng Khải nam thiên khởi binh nhung
Hoàng thúc thiên tướng tổng binh hùng
Tiền kỳ hậu đôi tinh kỳ pháo
Tả vệ hữu quan tập kiến cung
Ngũ phương tỳ hổ sâm nghiêm chỉnh
Lục giáp hùng binh ứng hội đồng
Bát quái phi phù thông địa phủ
Cửu nha kỳ xuất tiến thiên cung
Vãn thanh trung cổ lâm đàn nội
Phù hộ nhân dân bảo kiện cung.
Thượng lai khải thỉnh ký mộc quang lâm giáo hữu an tọa chân ngôn cẩn đương trì tụng. Thánh đức tòng không lai giáng hạ nạp tư đan khổn biểu tinh thành Tuỳ phương ứng hiện biến quang minh nguyện giáng pháp duyên an bảo toạ.
Và điều đặc biệt của những thanh đồng Trần Triều thường không có việc múa nhảy, cũng không có chuyện các ngài diễn lại sự tích hành trạng của các ngài xưa kia. Các ngài chỉ ra oai bằng việc xiên lình hay lung đỏ lưỡi cày rồi đi trên đó hoặc là cầm những cái vồ bằng gỗ đập vào ngực mà thôi. Chỉ có đức ông đệ tam là lấy dấu mặn để trị bệnh trừ tà khi mà người bệnh quá nặng bị tà ma nó hành, gần đất xa trời. Phép lấy dấu mặn của nhà Ngài, không phải dùng dao rạch lưỡi mà là đập vỡ chiếc đĩa hoặc chiếc bát sành rạch lưỡi chảy máu rồi phun ra tờ giấy bản đốt cho bệnh nhân uống sẽ lành. Đồng nhà trần thời kỳ trước 1945 là như vậy, họ chỉ có tập trung duy nhất vào việc bắt tà ma trị bệnh mà thôi. Họ không chuộng hình thức như đồng tứ phủ của cùng thời kỳ đó vì vậy nó rất thuần Việt và là sự đúc kết của ông cha. Không gây nên sự phản cảm và cũng rất uy linh trong việc trừ tà ma trị bệnh cứu dân. Chính vì vậy mà niềm tin vào Đức Thánh Trần ở thời kỳ trước 1945 ở cả nước nói chung và đồng bằng Bắc Bộ nói riêng thì việc người dân Việt Nam mỗi khi ốm đau bệnh tật cầu viện đến Đức Thánh Trần cũng là điều đương nhiên tồn tại và lưu truyền cho mãi tới ngày nay.
Trong hệ thống các thánh giáng ở đồng nhà Trần Hưng Đạo Vương rất ít khi giáng đồng. Bởi ông là một đạo chủ của một dòng tín ngưỡng tức là Cha cũng như Mẹ Liễu hạnh chỉ có thỉnh các ngài chứ không có giáng đồng hầu. Chỉ có một lần duy nhất vào khoảng những năm đầu thế kỷ 20 tôi có được đọc một tư liệu của nhà nghiên cứu người Pháp khi dự một vấn hầu để bắt tà. Nhưng do con tà chết oan ức cho nên không một ai trong ngũ vị vương tử có thể bắt được nó. Vì vậy phải kiều đến Đức Thánh, khi kiều đến đức thánh Ông thì thanh đồng đó phải chay tịnh sống xa mọi người ba ngày ba đêm thì mới có thể kiều được Người nên tôi xin trích bài kiều thỉnh đức Ông qua lời kể của một nhà nghiên cứu người Pháp như sau:
“Công cứu quốc cao dầy đã rõ,
Ơn chúng sinh tế độ còn dài
Đại Vương từ ngự thiên đài
Ngọc Hoàng giáng chỉ cứu người dương gian
Ngôi Vạn Kiếp bốn phương chầu lại,
Đức uy linh bát hải lan ra,
Nam Tào, Bắc Đẩu hai tòa.
Xạ ba thiên tướng, hằng hà thiên binh.
Việc nội ngoại ngũ dinh tuần thú,
Khắp thiên đình, địa phủ, dương gian.
Bên ngai tả hữu hai ban,
Kiếm thần cờ lệnh, ấn vàng trong tay.
Trên ngọc bệ tàn mây năm sắc,
Trước long đình hổ phục rồng chầu.
Thần thông biến hóa phép màu,
Nghìn tai nghìn mắt đâu đâu tỏ tường.
Đạo đức cao bốn phương bái phục,
Phép uy linh quỷ khốc thần kinh.
Triệt địch lệ, giải đao binh
Phò nguy cứu khổ tà tinh tiễu trừ
Suốt nam bắc phụng thờ thành kính
Cả muôn dân cửa Thánh đội ân
Tâm thành cầu khẩn phép thần
Phút đâu hiển ứng mười phân vẹn mười
Non nước nhược, ngự chơi ngày tháng
Chốn non bồng thăng giáng hôm mai
Trần gian bao cửa đền đài,
Đằng vân giá vũ khắp nơi đi về
Từ sơn cước suốt khe rừng nội,
Đến phồn hoa cát bụi chẳng nề
Một tay che chở phù trì,
Công ơn tế thế sánh bì trời cao…”
Ở đền Kiếp Bạc theo như ông Nội tôi ( Cụ Nguyễn Sỹ Phiệt Một nhà Nho có Truyền thống nâu đời ở Trấn Kinh Bắc xưa ) kể lại còn một hình thức hầu tróc tà cũng hết sức độc đáo mà cụ tôi gọi là hầu đồng tà. Hầu đồng tà là hình thức gọi con tà về và tra khảo nó bắt nó rời bỏ người mà nó sâm nhập gây nên bệnh cho gia chủ nào đó. Hầu đồng tà chỉ cần một thầy đồng và một thanh đồng là nữ cũng có thể bắt được con tà tra khảo nó. Ở đền Kiếp Bạc nếu muốn bắt tà phải ra các ban thờ khác, chứ không được bắt trước ban của Đức Thánh Trần hay ban thờ mẫu nhằm giữ sự tôn nghiêm nơi của thánh, mà chỉ được bắt từ ban công đồng trở ra mà thôi. Vì vậy, lập đàn bắt tà thường làm ngoài sân đền và phải bày đàn gồm cờ kiếm nhà Ngài thường là cờ, kiếm được thờ phụng tại điện thờ của các thanh đồng. Bày biện nhang án, đàn tràng song xuôi mới bắt đầu tấu thỉnh nhà Ngài. Thường lấy đồng tiền âm dương gieo quẻ làm sự đồng ý của nhà Ngài. Nếu xin nhất âm nhất dương thì nhà ngài cho phép gọi con tà lên để tra khảo. Khi đã được chấp thuận thì thanh đồng sẽ đọc Trịch Sai Văn để con tà ốp đồng vào người đồng nữ khi thấy người ngồi đồng đảo và dung tay tức con tà đã về và có thể tra khảo bắt con tà xưng tên tuổi địa chỉ của nó. Thanh đồng sẽ kiểm chứng lời khai của con tà bằng cách xin âm dương xem đúng hay sai. Hình thức hầu đồng thánh tại đền Kiếp Bạc được kéo dài đến hết những năm 1954.
Thời kỳ này đồng tứ phủ không được phổ biến vì nhà nước cấm với lý do cho rằng nó là mê tín dị đoan. Cũng chính vì thế mà sự nghi chép về tín ngưỡng Tam – Tứ phủ rất hiếm hoi cho mãi đến năm 1992 nhà nước ra quyết định tự do tín ngưỡng mới có sự khôi phục lại thanh đồng của dòng đồng theo tín ngưỡng Tam – Tứ Phủ. Sau này thì không còn kiểu hầu đồng theo nối cổ kiểu này tại đền Kiếp Bạc mãi đến những năm nhà nước cho tự do tín ngưỡng thì hình thức hầu thánh tại đền kiếp bạc mới được phục hồi, nhưng nó mang mầu sắc mới là sự đan xen giữa tín ngưỡng Tam – Tứ Phủ với Tín ngưỡng Đức Thánh Trần nhằm giải quyết vấn đề tâm linh hết sức bức bách của thời kỳ âm thịnh dương suy mà ta gọi là thời kỳ mạt pháp.
Nguyễn Sỹ Đông.