Bức thư kỳ lạ báo trước ngày hy sinh và nơi chôn cất của người lính Thành cổ

Trong lá thư gửi gia đình, người lính bảo vệ Thành cổ Quảng Trị đã dự báo chính xác ngày hy sinh và nơi chôn cất của mình.

 

Địa danh Thành cổ Quảng Trị đến nay vẫn được nhắc đến như một mảnh đất thấm đẫm máu và nước mắt của quân và dân ta trong chiến tranh chống đế quốc Mỹ xâm lược.

Trong 81 ngày đêm bảo vệ Thành cổ Quảng Trị, mảnh đất bé nhỏ này đã phải hứng chịu 328.000 tấn bom đạn với sức công phá tương đương 7 quả bom nguyên tử mà Mỹ đã ném xuống Nhật Bản. Đã có rất nhiều bộ đội ta mãi mãi nằm lại mảnh đất này. Phần nhiều trong số đó có tuổi đời còn rất trẻ và mới lập gia đình.

Bảo tàng Thành cổ Quảng Trị hiện vẫn còn lưu giữ một lá thư của liệt sỹ Lê Văn Huỳnh (quê Kiến Xương, Thái Bình) gửi vợ và toàn thể gia đình. Trong lá thư ấy, dường như người lính Thành cổ đã dự cảm được sự hy sinh sắp đến với mình khi nhắn nhủ người vợ trẻ: “Thôi nhé em đừng buồn, khi được sống hòa bình hãy nhớ tới công anh”.

Là thư của liệt sỹ Lê Văn Huỳnh được lưu giữ tại Bảo tàng Thành cổ Quảng Trị. (Ảnh: LC)

Được biết, trước lúc lên đường nhập ngũ, liệt sỹ Lê Văn Huỳnh đang là sinh viên năm 4 Khoa Xây dựng (Khóa 13 của Đại học Bách khoa Hà Nội). Bức thư hiện lưu tại Bảo tàng Thành cổ Quảng Trị được liệt sỹ Huỳnh viết vào ngày thứ 77 của chiến dịch 81 ngày đêm bảo vệ Thành cổ (11/9/1972), trước thời điểm liệt sỹ Huỳnh hy sinh gần 4 tháng (2/1/1973).

Mở đầu lá thư, người lính đang tham gia trận chiến ác liệt nhắn nhủ gia đình: “Toàn gia đình kính thương! Hôm nay, con ngồi đây biên vài dòng chữ cuối cùng phòng khi đã “đi nghiên cứu bí mật lòng đất” thì gia đình khỏi thấy đó là điều đột ngột…”.

Người đầu tiên mà liệt sỹ Huỳnh nhắc đến trong bức thư chính là mẹ, đó dường như cũng là lời cảm ơn công sinh thành dưỡng dục: “Thư này tới tay mẹ chắc mẹ buồn lắm… Con của mẹ đã đi xa để lại cho mẹ nỗi buồn nhất trên đời. Con rất hiểu đời mẹ khổ đã nhiều, nay bao hy vọng nuôi con khôn lớn, song vì đất nước có chiến tranh thì mẹ ơi hãy lau nước mắt cho đời trẻ lâu, sống đến ngày đón mừng chiến thắng”.

Trận đánh bảo vệ Thành cổ Quảng Trị mãi là trang sử bi hùng trong cuộc chiến bảo vệ độc lập dân tộc. (Ảnh: LC)

Con đi mẹ ở lại trăm tuổi bạc đầu, coi như con lúc nào cũng nằm bên mẹ, mẹ đừng buồn cho linh hồn con được thoải mái bay đi… Thôi nhé mẹ đừng buồn, coi như con đã sống trọn đời cho Tổ quốc mai sau”.

Trong lá thư, người liệt sỹ cũng không quên viết đôi dòng thể hiện tình cảm và căn dặn người vợ trẻ nơi quê nhà – người phải chịu “nỗi buồn nhất và cũng là nỗi buồn đầu tiên trong cuộc đời”.

Trong đoạn thư gửi vợ, liệt sỹ Huỳnh viết: “Em thương yêu! Anh rất muốn được sống mãi mãi bên em, song chiến tranh thì em ơi hãy gạt nước mắt cho đời trẻ lại. Giờ đây anh biết nói gì cùng em, chỉ mong em khỏe yêu đời.

Em sẽ đọc thư này cho mọi người trong gia đình nghe trong buổi lễ truy điệu của anh. Cho anh gửi lời chúc sức khỏe tất cả những người quen thuộc trên quê hương… Thôi nhé em đừng buồn, khi được sống hòa bình hãy nhớ tới công anh”.

Không chỉ dự cảm được sự hy sinh sắp đến với mình, liệt sỹ Huỳnh còn viết đích xác ngày mình sẽ hy sinh: “Thôi con đi đây, chào tất cả gia đình và làng xóm quê hương. H. đã hy sinh ngày 2/1/1973 (tức ngày 28/11/1972, Âm lịch). Con của gia đình”.

Thậm chí, trong lá thư, liệt sỹ Huỳnh còn chỉ đường cho vợ có thể đến đưa hài cốt của mình về: “Ngày hòa bình, nếu có thương anh em hãy vào Nam đưa hài cốt anh về. Đường đi như sau: Đi tàu vào thị xã Quảng Trị, qua sông Thạch Hãn là nơi anh hy sinh khi đưa hàng sang sông.

Từ thị xã, qua cầu ngược trở lại hỏi thăm đường về thôn Nhan Biều I. Nếu tính xuôi theo dòng nước thì mộ anh ở cuối làng. Về đấy, tìm sẽ thấy mộ anh ghi dòng chữ tên anh đục trên mảnh tôn”.

 Dù biết trước sự hy sinh nhưng những người lính vẫn chắc tay súng quyết tâm bảo vệ Thành cổ Quảng Trị. (Ảnh: LC)

Bức thư “tiên tri” này được liệt sỹ Huỳnh nhờ một đồng đội quê ở Thanh Hóa gửi giúp. Tuy nhiên, sau đó đồng đội của anh cũng hy sinh và bức thư vẫn nằm trong chiếc ba lô, mãi đến tháng 3/1973, bức thư mới đến tay gia đình anh.

Nhờ sự chỉ dẫn trong thư mà vào năm 2002, chị Đặng Thị Xơ (vợ liệt sỹ Huỳnh) và các đồng đội đã tìm thấy phần mộ của anh. Những lời trong bức thư đúng đến lạ kỳ, chỉ khác duy nhất là mộ anh được tìm thấy ở thôn Thượng Phước chứ không phải thôn Nhan Biều I (hai thôn này nằm sát cạnh nhau).

Được biết, lúc liệt sỹ Lê Văn Huỳnh lên đường nhập ngũ thì anh và chị Đặng Thị Xơ cũng mới cưới nhau được 7 ngày và chưa kịp có con. Ngày anh hy sinh cũng vừa tròn một năm ngày cưới.

Từ khi nghe tin chồng mất, chị Xơ đã không nghe theo lời chồng “đi thêm bước nữa” mà vẫn ở vậy thờ chồng cho đến nay. Câu chuyện của anh chị khiến nhiều người xúc động bởi nó đẹp như tiểu thuyết giữa đời thường.

au 45 năm, những dòng thư với những lời dự cảm của liệt sỹ Huỳnh khiến nhiều người kinh ngạc. Một nhân viên của Bảo tàng Thành cổ Quảng Trị cho biết, một cựu binh Mỹ khi quay lại chiến trường Thành Cổ và đọc là thư của liệt sỹ Lê Văn Huỳnh đã thốt lên: “Đến bây giờ tôi đã hiểu vì sao các bạn chiến thắng. Vì các bạn biết trước tất cả. Các bạn biết mình sẽ hy sinh nhưng vẫn chiến đấu đến cùng cho đất nước của mình”.

NGUYỄN VƯƠNG
Theo VTC News