“Nghêu ngao vui thú yên hà
Mai là bạn cũ, hạc là người quen”
Người ta cho là khi Nguyễn Du đi sứ sang Tàu có ghé lại vùng Cảnh Đức trấn thuộc tỉnh Giang Tây để đặt làm đồ gốm.
Chủ lò gốm muốn lấy lòng khách mới yêu cầu Nguyễn Du làm mấy câu thơ để lên các món đồ sứ. Ông Nguyễn Du làm hai câu lục bát bằng chữ nôm:
“Nghêu ngao vui thú yên hà
Mai là bạn cũ, hạc là người quen”
Cho thợ viết lên những cái dĩa lớn. Ngoài hai câu này, dĩa mai hạc còn có hình cây mai có con hạc đậu lên trên, cho hợp nghĩa.
Ngày nay ở Việt Nam còn nhiều dĩa có dạng từ gốc của Nguyễn Du đặt làm khi xưa.
Trong câu đầu, nghêu ngao không có nghĩa là “hát nghêu ngao” như thường nghe. Nghêu ngao ở đây phải hiểu là ngao du bất chợt, không có định trước hay chủ đích như khi người ta nói ai đó “đi nghêu ngao” cả ngày không lo làm ăn gì hết.
Yên có nghĩa là khói, khói do đốt củi hay cái gì đó bốc lên. Mà yên còn có thể được dùng để chỉ hơi nước bốc lên trên mặt sông, hồ hay từ lòng đất cũng được.
“Mai là bạn cũ, hạc là người quen” chỉ chú trọng vô mai và hạc. Mai được người xưa cho đứng đầu tứ quân tử: Mai, Lan, Cúc, Trúc.Mai là loại cây có bông tuy ít thơm so với các loài khác nhưng sắc rất đậm đà, màu trắng toát. Trời lạnh cây rụng lá hết nên bông ra từng chùm phủ đầy nhánh đẹp lắm.
Mai trong câu thơ của Nguyễn Du là cây mơ ở miền Bắc chớ không phải mai vàng từ vùng Bình Thuận vô tới tận Cà Mau.
Như trong Kiều:
Thiền trà cạn nước hồng mai
Thong dong nối gót thư trai cùng về.
Hay Chu Mạnh Tring đã tả cảnh Hương Tích:
Thỏ thẻ rừng mai chim cúng trái
Lững lơ khe suối cá nghe kinh.
Ở miền Bắc các chùa hay lấy thân cây mai(hay còn kêu là cây mơ) già tuổi chẻ nhỏ, phơi khô rồi nấu nước làm trà uống.
Mai hay mơ ở miền Bắc rất gần với trái Apricot ở vùng bắc Mỹ. Người ta tôn sùng mai là biểu tượng của người quân tử do dáng dấp thanh thoát, nhánh trống trải và thẳng thuốm chớ không gút mắt và um tùm như bao nhiêu loài khác.
Thêm một lý do nữa là mai nở khi trời còn rất lạnh. Mai là cây nở bông đầu tiên, mới quá giữa mùa Đông, mai đã kiên gan với gió lạnh rồi cũng giống người hiên ngang với bao thử thách nặng nề của cuộc đời.
Hạc được người ta coi như là chim thanh cao, đứng trên bùn nhưng không hề nhiểm cái dơ của đất. Hạc cao hơn các loài chim khác, hiên ngang, không ăn tạp nên còn tượng trưng cho khí phách của con người.
Để chỉ một người tài ba, đức độ vượt hẵn chung quanh ta vẫn thường nghe câu thành ngữ “như hạc giữa bầy gà” đó.
Hạc còn là loài chim sống dai hơn rất nhiều loài khác nên người ta hay nói tuổi thọ là tuổi hạc. Cho nên hạc hay đi đôi với người cõi tiên là những người không bao giờ chết. Hạc làm bạn với tiên ông, tiên bà như Tản Đà đã cho biết tiên nữ phái tiên hạc đưa Từ Thức về trần:
Cái hạc bay lên vút tận trời
Trời đất từ nay xa cách mãi …
Bởi vậy cõi thế, hạc cũng được đứng trên các bệ thờ ở đình, ở chùa, chịu bao nhiêu người vái, lạy.
Khi cao quý như hạc mà chịu đứng hầu ở đình, ở chùa thì người được hầu phải có giá trị vô cùng to lớn. Do đó hạc từ muôn đời được người Á đông dùng làm biểu tượng của người quân tử lại vừa là niềm ước mơ trường thọ của con người.
Cho nên “Nghêu ngao vui thú yên hà” có nghĩa là vô tư lự, thảnh thơi, không còn bị áo cơm hay công danh trói buộc. Còn Mai là bạn cũ, hạc là người quen cho thấy chỉ tiếp xúc với hạng quân tử và mong mỏi sống lâu.
Một người sống mà cứ phải lo bên trái có người rình rập để hại mình hay bên sợ bên phải có người đang dòm ngó.
Hoặc sau lưng có kẻ đang hằm hè để đâm mình và phía trước đối thủ luôn luôn chờ sơ hở để đạp mình xuống thì làm sao có thể nghêu ngao vui thú yên hà cho được.
Họ làm gì có thời gian trống để mà chú ý tới những làn khói bay lên từ một chái bếp nào đó. Lúc nào cũng bận tâm để lo mưu tính kế thì làm sao thấy được cái khói sóng trên sông, trên hồ mong manh như giải lụa hay cái đẹp của những đám mây rực sáng dưới ánh mặt trời. Đôi khi không phải con người ham sống như vậy, họ bị trói buộc vô guồng máy hay cuốn trôi theo giòng nước, không dám cưỡng lại, nếu không muốn chết.
Cái ước mơ thoát ra khỏi những bó buộc thường tình của con người ai chẳng muốn. Khát vọng không còn phải bận lòng với thấp hèn của cuộc đời, để chỉ tiếp xúc với người quân tử nghêu ngao ngoài vòng cương tỏa lúc nào cũng còn đó nhưng có mấy ai thực hiện được.
Sưu tầm