Phong tục đón Tết của người Việt xưa diễn ra bình dị, vui vẻ, hòa đồng, đậm đà bản sắc văn hóa dân tộc.
Tết của người Việt là sự giao hòa giữa ước mơ và hiện thực. Tết không chỉ có vật chất, ăn uống, trang hoàng nhà cửa… Tết còn là nét đẹp trong văn hóa tâm linh, nhớ về ông bà, tổ tiên, mọi người hướng về sự đầm ấm, thiêng liêng tình cảm gia đình, dòng tộc, tình làng nghĩa xóm…
“Ngày 30 Tết thịt treo trong nhà”
Quan niệm của ông cha ta ngày trước cho rằng “những gì ngon nhất, đẹp nhất, tốt nhất… sẽ được dành cho ngày Tết”. Dù nghèo đến mấy, “ngày 30 Tết thịt treo trong nhà”. Nhà nào cũng phải sắm được mâm cỗ để cúng giao thừa, lễ gia tiên, rước ông bà về cùng ăn Tết.
Trong phong tục đón Tết cổ truyền của người Việt xưa, Tết được bắt đầu khi các gia đình làm lễ tiễn ông Công, ông Táo (23 tháng Chạp). Sau lễ này, Tết đã len lỏi vào từng gia đình, làng quê.
Mọi người nhộn nhịp sắm Tết. Ngoài đình hoặc nơi công cộng, người ta trồng cây nêu cao vút, có một vòng tròn mắc các con vật làm bằng giấy xanh, đỏ với những chiếc chuông nhỏ gây ra những tiếng vui tai khi gió thổi.
Theo quan niệm của người Việt, cây nêu được dựng lên để xua đuổi ma quỷ. Nhiều gia đình cẩn thận hơn, vẽ mũi tên lên cánh cung giương ra trước cửa bằng vôi trắng để dọa kẻ xấu. Hai cánh cửa nhà được dán 2 bức tranh có ông tiến Tài và tiến Lộc, hoặc 2 ông canh cửa Thiện, Ác.
Chiều 30 Tết, người Việt thường dọn dẹp nhà cửa, bàn thờ, sắm sửa cành đào, cành mai, mâm ngũ quả. Những công việc này phải làm xong cùng việc phải có đủ các món ăn truyền thống như bánh chưng, dưa hành, giò, thịt chả đông.
Vào dịp Tết, người Việt xưa sắm 2 cây mía dài, đẹp gọi là gậy ông vải. Tết gắn liền hoa nên nhà nào cũng trồng thêm mấy khóm cúc, mẫu đơn, hoa trà…, sửa sang vườn cây cảnh, hòn non bộ…
Ngày tất niên, người Việt xưa thường tắm bằng nước ấm có hương thơm của mùi già; giết một con gà làm lễ cúng giao thừa.
Chiều 30 Tết, người dân ăn với nhau bữa tết niên rồi chuẩn bị quần áo, đồ trang sức đẹp, chuẩn bị gói những đồng xu, tờ giấy bạc mới vào những miếng giấy màu hồng để ngày mùng 1 mở hàng cho gia đình, họ hàng.
3 ngày Tết
Đúng 0h, mọi người thắp đèn hương cúng ông bà, ông vải, người thân đã khuất…, chào đón xuân sang.
Theo tục xông đất, người Việt quan niệm nếu ngày mùng 1 Tết, mọi việc diễn ra suôn sẽ thì may mắn quanh năm. Khách đầu tiên đến thăm nhà trong năm mới vì thế rất quan trọng.
Cứ vào dịp cuối năm, mọi nhà lại cố ý tìm trong gia đình, họ hàng những người có tính tình vui vẻ, hoạt bát, nhanh nhẹn, đạo đức tốt, nhờ đến xông đất đầu năm. Người đến xông đất thường chỉ đến nhà 5-10 phút chứ không ở lại lâu, với mong muốn cầu cho mọi việc trong năm được trôi chảy.
Trong 3 ngày Tết, phụ nữ có thể đi lễ ở đình, chùa, đàn ông đánh tổ tôm, chơi cờ, làng tổ chức các trò chơi dân gian. Đến chiều ngày mùng 3 Tết, gia đình làm lễ tiễn tổ tiên.
Ngày mùng 1, mùng 2, người dân kiêng sát sinh, không động thổ quét tước để màu sắc Tết không bị mất đi quá sớm.
Trong những ngày Tết, mọi người kiêng nói những điều không hay, không đánh nhau, cãi nhau trong dịp Tết, xóa bỏ mọi hận thù, xích mích.
Người nghèo được bà con họ hàng tạo điều kiện để cùng ăn Tết; người hành khất chỉ cần đứng trước cửa nói vài câu may mắn sẽ được gia chủ mang bánh chưng, thịt, giò ra cho. Người Việt thường quan niệm: “Khó đói chẳng lo 3 ngày Tết / Giàu sang rộng mở tấm lòng thương”.
Đến ngày mùng 7 Tết, mọi gia đình sẽ làm lễ hạ nêu, Tết Nguyên đán kết thúc. Người ta lại tụ tập gặp nhau ở những chốn linh thiêng như đình, chùa, miếu, mạo, nơi tổ chức những cuộc vui xuân, xách nước, hát chèo tuồng, thổi cơm thi.
Phong tục đón Tết của người Việt xưa là thế, bình dị, vui vẻ, hòa đồng.
- Nguồn : Nguyễn Thanh Điệp Nguồn sách: Phong tục Tết cổ truyền trong văn hóa người Việt
Những hình ảnh cực hiếm về Tết Hà Nội cách đây 100 năm
Phong cách Tết xưa của biết bao thế hệ người Hà Nội cho đến nay vẫn còn được ưa chuộng. Trong từng bức ảnh, nổi bật lên sự khác biệt giai cấp qua trang phục, đồ đạc. Người nhà giàu mặc lụa là gấm vóc.
Cả đàn ông và phụ nữ đều mặc áo dài. Phụ nữ thời đó chỉ vấn khăn trên đầu, không dùng khăn đóng. Áo dài may thụng rộng, chưa chít eo. Y phục phải may bằng tay, máy may chưa có. Cả ông và bà đều mang hài vải, có thêu hoa văn.
Ký ức về thú chơi thủy tiên nơi phố hoa cổ nhất Hà thành – Hàng Lược vẫn còn được lưu giữ lại. Hoa thủy tiên được cả sắc lẫn hương, với hai lớp cánh, lớp bên ngoài màu trắng ngà mỏng manh như lụa, lớp bên trong vàng rực rỡ mà người ta vẫn thường gọi là “mâm ngọc chán vàng”. Thủy tiên đựng trong lọ thủy tinh tạo nên sự tinh khôi trắng ngần. Một vẻ đẹp tinh khiết.
Việc mua một cành hoa khi đó không hề dễ dàng. Với nhà không có điều kiện, ngày Tết mong sao chỉ cần một nhánh hoa nhỏ, một bông hoa hồng để cắm vào lọ đã thấy sung sướng lắm rồi.
Còn ai mua được cành đào thì cả phố sang ngắm, người người bàn tán rất có không khí. Hoa đào khi đó cũng rất đơn giản, chỉ có hai thế là tán tròn và chiếu thuỷ (ngọn chiếu xuống đất) chứ không đa dạng như ngày nay.
Theo báo sức khoẻ đời sống