Quan Hoàng Lục hay An Biên tướng quân Hoàng Lục, vị tướng người Tày có công lao to lớn trong công cuộc chiến chống ngoại xâm và gìn giữ biên cương. Vậy sự tích, đền thờ, bản văn thỉnh Quan Hoàng Lục như thế nào?
Quan Hoàng Lục là ai?
Tương truyền, tướng quân Hoàng Lục là một tù trưởng người Tày, sinh vào thế kỷ XI tại vùng Lũng Đính, châu Thượng Lang (nay là xã Đình Phong, huyện Trùng Khánh, tỉnh Cao Bằng). Là người tài giỏi, am hiểu sử sách, tinh thông binh pháp, 18 tuổi ông đã được cử làm thổ tù cai quản một vùng, được người dân kính trọng.
Trong cuộc kháng chiến chống quân Tống xâm lược lần thứ hai, thực hiện kế sách “Tiên phát chế nhân” của Lý Thường Kiệt, tướng Hoàng Lục đem quân đánh vào đất Tống, đột phá nhiều thành trì, đập tan các căn cứ hậu cần phục vụ cuộc chiến xâm lược Đại Việt của giặc. Khi quân Tống tiến vào nước ta, với lối đánh du kích táo bạo, đội quân do ông chỉ huy đã đánh phá phía sau và gây tổn hao nhiều sinh lực địch, góp phần vào chiến thắng chung của cả dân tộc.
Với công lao to lớn đó, ông đã được triều đình phong là An Biên tướng quân và giao trấn giữ một dải biên ải rộng lớn từ Cao Bằng đến tận Lạng Sơn ngày nay. Để ghi nhớ công lao của vị tướng trấn giữ biên cương, khi ông mất, nhân dân đã lập đền thờ ông ngay tại quê hương Lũng Đính.
Sự tích, chiến tích lẫy lừng về Quan Hoàng Lục
Nếu Thái Bảo Bát Nùng (Quan Hoàng Tám Nùng Chí Cao) được xem là tù trưởng ông vua người Nùng, thì An Biên Tướng quân hiện thân của Quan Hoàng Lục lại được xem là tù trưởng ông vua của người Tày cai quản vùng đất Cao Bằng ngày nay.
Tương truyền Quan Hoàng Lục giáng sinh ngày 10/8/1038 tại xã Lũng Đính, châu Thượng Lang (nay là xã Đình Phong, huyện Trùng Khánh, tỉnh Cao Bằng) trong một gia đình mấy đời làm tù trưởng. Đến măm 18 tuổi, ngài được cử làm thổ tù vì Quan Hoàng Lục là người khảng khái, trọng nghĩa, khinh tài luôn đem tài sản chia cho dân nghèo, mọi người trong vùng đều quí mến ông. Năm 1053 (thời vua Lý Thái Tông), trong cuộc kháng chiến chống quân Tống xâm lược lần thứ nhất, Hoàng Lục phối hợp với tướng quân Nùng Chí Cao chủ động đem quân đánh vào đất Tống, đột phá các châu: Châu Quý, châu Uy, châu Khang, châu Đăng, châu Ngô, châu Đoan, châu Hình… gây thiệt hại lớn cho quân Tống.
Quân của Hoàng Lục và Nùng Chí Cao đi đến đâu đều được nhân dân ủng hộ. Khi rút về, Hoàng Lục tiếp tục chuẩn bị lương thực, lực lượng để đối phó với quân Tống.
Đến năm 1075 (thời vua Lý Nhân Tông), quân Tống tiến hành xâm lược Đại Việt lần thứ 2 với mục tiêu phá vỡ tuyến phòng thủ ở Quảng Nguyên. Viên tướng của nhà Tống lúc ấy tên là Quách Quỳ đánh giá: “Quảng Nguyên là cổ họng của Giao Chỉ, có binh pháp mạnh đóng ở đó. Nếu ta không đánh lấy thì khi ta đi sâu vào đất chúng, quân ta sẽ bị đánh cả ở mặt trước và mặt sau”. Biết trước âm mưu xâm lược nước Đại Việt của nhà Tống, vua Lý Nhân Tông với chiến thuật “Tiên pháp chế nhân” đã cử Thái uý Lý Thường Kiệt xuất quân tiến đánh, đốt phá kho tàng của quân Tống ở vùng châu Khâm, châu Liêm nhằm làm giảm ý chí xâm lược của nhà Tống.
Nhận được mật lệnh của Thái uý Lý Thường Kiệt, Hoàng Lục cùng Tôn Đản, Nùng Chí Xuân trở thành bộ tướng dũng mãnh của Lý Thường Kiệt tung hoành ngang dọc trên đất Tống. Phá tan âm mưu xâm lược nước Đại Việt của nhà Tống, Lý Thường Kiệt ra lệnh rút quân về nước xây dựng phòng tuyến sông Như Nguyệt và tin cậy giao cho Hoàng Lục trấn giữ vùng Đông Bắc từ Quảng Uyên đến Phục Hoà. Với nhận định của Quách Quỳ thì trận đánh ở Quảng Nguyên có tính chất quyết định. Trấn giữ vùng Quảng Nguyên lúc này là Lưu Kỷ – một viên tướng có kinh nghiệm đánh vùng rừng núi của nhà Lý với 5.000 binh mã. Khi quân Tống dưới sự chỉ huy của Phó tướng Yên Đạt ồ ạt tấn công vào Quảng Nguyên đã gặp phải sự đánh trả quyết liệt của quân Hoàng Lục và Lưu Kỷ. Theo lưu truyền trong dân gian thì chính khu vực đền thờ hiện nay là nơi Hoàng Lục lập trận địa để chặn bước tiến của quân xâm lược Tống. Dấu tích còn sót lại đến ngày nay là những ụ, thành đất hình chữ nhật, hình xoáy trôn ốc nằm rải rác dọc hai bên bờ sông Quây Sơn, cách đền khoảng 1 km.
Quan Hoàng Lục trong hệ thống thần linh Tứ Phủ
Quan Hoàng Lục là vị quan hoàng thứ sáu thuộc hàng Thập Vị Quan Hoàng, ngài là con trai thứ sáu của vua Cha Bát Hải Động Đình.
Trong hàng tứ phủ Quan Hoàng, Quan Hoàng Lục ngài đứng sau Quan Hoàng Năm và đứng trước Quan Hoàng Bảy
Hầu giá Quan Hoàng Lục
Quan Hoàng Lục ngự đồng không giống như những vị quan hoàng khác, Quan Hoàng Lục rất ít khi về ngự đồng. Chỉ khi nào đến ngày tiệc chính hoặc thỉnh ông tại đền thờ chính thì ông mới về ngự đồng.
Khi về ngự đồng, ông mặc áo đỏ, cũng có nơi khi hầu đồng quan mặc áo đen hoặc áo xanh thêu rồng hình chữ thọ và khoác áo choàng. Khi làm việc, ông khai quang, múa cờ, múa kiếm. Rồi ngự tửu nghe văn và xe giá.
Đền thờ Quan Hoàng Lục ở đâu?
Đền thờ Quan Hoàng Lục nằm ở xã Đình Phong, huyện Trùng Khánh, tỉnh Cao Bằng được người dân xây dựng từ thế kỷ XI
Đền Hoàng Lục nằm dưới những tán thông xanh trên đỉnh đồi Đoỏng Lình, cạnh dòng Quây Sơn, thuộc xóm Đoỏng Luông – Chi Choi, xã Đình Phong, cách biên giới Việt- Trung chừng 4 cây số. Tương truyền đây là nơi xưa kia tướng quân Hoàng Lục đắp thành, xây lũy để ngăn bước quân thù. Đền gồm 2 ngôi nhà cấp 4, diện tích chừng hơn 100m2 sắp theo hình chữ “Nhị”. Đền lợp mái ngói âm dương, vì kèo bằng tre, gỗ, tuy đã được cải tạo, thay thế nhưng vẫn giữ nguyên dáng dấp và cấu trúc ban đầu. Đặc biệt, ngôi đền vẫn giữ được những bức tường trình bằng đất sét như lúc xây dựng.
Chị Vi Thị Thảo, cán bộ Văn hóa xã Đình Phong, huyện Trùng Khánh cho biết: “Cơ bản đền còn giữ được nguyên bản những bức tường trình này. Theo các cụ xưa kể lại, khi xây dựng người dân đã dùng đất sét trộn mật mía đường phên, đóng khuôn ván sau đó dập, nện hỗn hợp đất đó, tạo thành các bức tường xung quanh”.
Năm 2004, đền Hoàng Lục được tỉnh Cao Bằng xếp hạng di tích lịch sử văn hóa cấp tỉnh. Nhiều năm qua, ngôi đền vẫn thu hút được du khách muôn phương đến cầu lộc, cầu tài, cầu bình an. Theo quan niệm dân gian, đền Hoàng Lục chính là một trong số “Thập vị Quan Hoàng” theo tín ngưỡng thờ Mẫu.
Anh Hoàng Quang Trung, một du khách đến từ tỉnh Thái Nguyên cho biết: “Tôi đánh giá đây là một ngôi đền rất linh thiêng, từ đền đến thác Bản Giốc cũng gần chỉ khoảng 30 cây số, thuận tiện cho hành trình du lịch của mình. Hàng năm tôi cố gắng bố trí thời gian để đến thắp hương đúng ngày chính lễ, sau đó xuôi qua Thác Bản Giốc. Tôi nghĩ đây cũng là một tuyến du lịch rất hấp dẫn”.
Lễ hội, ngày khánh tiệc quan Hoàng Lục
Trước đây, lễ hội đền Hoàng Lục được tổ chức mỗi năm hai lần. Lần thứ nhất vào rằm tháng Giêng âm lịch, người dân mổ lợn, dâng rượu, xôi.. cúng lễ, cầu phúc lộc, cầu mưa thuận, gió hòa, mùa màng tươi tốt, cuộc sống người dân yên lành với phần hội là các trò chơi như tung còn, múa lân, hát giao duyên. Đến mùa thu, sau khi gặt hái xong, người dân Lũng Đính lại chọn ngày tốt mổ lợn, làm xôi để dâng đền tạ ơn.
Trong tứ phủ thì ngày tiệc của Quan Hoàng Lục là ngày 19/4. Vì ngài không mấy khi ngự đồng nên rất ít người biết, thậm chí là không biết.
Bây giờ, Lễ hội đền Hoàng Lục được tổ chức vào ngày 28/2 âm lịch, thu hút hàng vạn người dân Cao Bằng cùng du khách thập phương.
Ông Hà Đình Toàn, người dân xóm Đoỏng Luông-Chi Choi, xã Đình Phong, huyện Trùng Khánh, tỉnh Cao Bằng nói: “Hàng năm, ngày 28/2 âm lịch bà con đến lễ rất đông, bản thân tôi nhà ở gần nên cứ vài ngày lại lên thắp hương cho ông, rồi ngày rằm, mùng một đều lên. Ông Hoàng Lục là một tướng quân trấn giữ biên cương, chúng tôi rất tự hào về ông”.
Noi gương Tướng quân Hoàng Lục, phát huy truyền thống yêu nước, đấu tranh giữ đất, giữ làng của thế hệ cha ông, những người dân Lũng Đính hôm nay đoàn kết một lòng, bảo vệ vững chắc từng tấc đất mà cha ông đã khai phá, giữ gìn.
Ông Hoàng Văn Thông, Chủ tịch UBND xã Đình Phong, huyện Trùng Khánh, tỉnh Cao Bằng nói: “Nhân dân xã Đình Phong rất tự hào và biết ơn khi có vị tướng quân có công trấn ải biên cương. Phát huy truyền thống, những năm qua bà con Đình Phong luôn đoàn kết, không để xảy ra vấn đề phức tạp về an ninh. Bà con đoàn kết cùng nhau phát triển kinh tế, xây dựng quê hương, đặc biệt là tích cực cùng nhau tham gia bảo vệ vững chắc tuyến biên giới dài hơn 7km qua địa bàn xã”.
Bản văn Quan Hoàng Lục
Chính quê Trùng Khánh Cao Bằng
Có quan Hoàng Lục giáng phàm tối anh linh
Cõi trần gian hữu tình hữu cảnh
Đất Cao Bằng – Trùng Khánh tựa cõi tiên
Lý triều có Đại tướng An Biên
Tiễu trừ giặc Tống giữ yên cõi bờ
Nước Nam Việt đẹp như huyền thoại
Sách trời ghi sáng mãi sử oai hùng
Đức Hoàng Lục ngài thông thạo kiếm cung
Vâng lệnh Thái Úy giữ vùng biên cương
Mười tám tuổi am tường binh pháp
Thông kinh thư sử sách làu làu
Khắp hòa tam thập lục châu
Nức danh gia thế đẹp câu thuận hòa
Khai quang thậm thì diệu
Quang minh chứng đàn duyên
Ngã tích tang cúng dàng
Kim phụng hoàng lân cận
Phật Thánh Chúa Tiên trung vương.
Hoàng Lục có lệnh truyền ra
Các quan thủy bộ cùng là chư dinh
Chuyên cần luyện tập quân binh
Đánh đông dẹp bắc tung hoành mọi nơi
Thái Úy Lý Thường Kiệt đức vời vời sáng
Nhận thấy Hoàng tỏa rạng mưu cơ
Ban cho nào kiếm nào cờ
Cùng ban mật lệnh bất ngờ xuất quân
Dùng chiến thuật chế nhân tiên pháp
Phá kho tàng tiến đánh Tống bang
Châu Liêm cùng với châu Khâm
Xua quân xung kích thỏa tầm trông xa
Sông Như Nguyệt dựng ra phòng tuyến
Dẹp âm mưu xâm chiếm nước ta
Từ Quảng Uyên đến Phục Hòa
Hoàng Lục trấn giữ gần xa thỏa lòng
Mậu Tuất Lý Nhân Tông Chính Hạ
Hoàng Lục ngài từ giã nhân gian
Đoỏng Lình dân lập ngôi đền
Khắp vùng Lũng Đính muôn miền khói nhang
Đức Hoàng Lục độ oan cứu khổ
Ngài hiển linh phù trợ trần gian
Tội công (Ai tội, ai công) ngài biên chép rõ ràng
Tiễu trừ kẻ ác phục hàng quỷ ma
Cũng có lúc Ngài ra trợ phép
Giúp cho người đẹp nết thảo ngay
Có khi dạo gót đông tây
Câu thơ Thái Úy sẵn bày cuộc ngâm
Ngài ngâm rằng:
Nam quốc sơn hà Nam đế cư
Tiệt nhiên định phận tại thiên thư
Như hà nghịch lỗ lai xâm phạm?
Nhữ đẳng hành khan thủ bại hư!
Đấng anh linh phong tư tài mạo
Rạng vẻ ngoài mũ áo cân đai
Độ cho hai chữ Lộc Tài
Độ cho già trẻ gái trai cát tường
Phép thần thông hô phong hoán vũ
Tài kinh bang tế thế chuyển luân
Nức lòng tướng sĩ ba quân
An Biên đại tướng muôn dân phụng thờ
Nhiều thế kỷ đã trôi qua, đền Hoàng Lục vẫn còn đó bên dòng sông Quây Sơn như một địa chỉ văn hóa, lịch sử của đất nước. Tự hào về vùng đất gắn liền với chiến công của danh tướng người Tày Hoàng Lục- vị tướng có công trấn ải biên cương, đồng bào các dân tộc vùng biên Cao Bằng đang dựng xây vùng đất này ngày càng trở nên trù phú, thanh bình./.
Nguồn sưu tầm