Tháp thờ Po Inư Nagar thánh địa của người Cham phía Nam

Giữ đạo, đi đạo, sống đạo… là việc làm của người có tín ngưỡng, có niềm tin, nhưng trong xu thế của kim tiền, của nhịp sống nặng về vật chất, việc thực hành tín ngưỡng đã ít nhiều bị thị trường hóa, đẹp lễ, tốt lễ, đắt lễ để dễ kêu, để mong cầu gì được nấy.

Về với mẹ.

Có dịp đến tháp Bà Ponagar bên dòng sông Cái, Nha Trang, hữu duyên sẽ gặp một ông cụ người Chăm tóc búi cao, chòm râu dài, ăn mặc chỉnh tề theo trang phục truyền thống của người Chăm, thành kính thắp hương nơi tháp bà.

Ông cụ cho biết ông ngụ ở Ninh Thuận, và gần như mỗi ngày, buổi sáng, ông đón xe buýt ra Nha Trang, đến tháp Bà thắp hương, quanh quẩn trong khu thánh tích nguyện cầu, đến khi xế bóng thì về lại nhà. Ông bảo ở đây giống như ngôi nhà thứ hai của mình, hễ không vướng bận gì hệ trọng ông lại tìm về ngôi nhà ấy để được ở gần mẹ – Thánh mẫu Thiên Y A Na.

Hành trang mỗi ngày của ông về với mẹ, là một tinh thần của người con, tìm về sự chở che, bao bọc, để cảm thấy lòng luôn an yên, thanh thản. Vào khu thánh tích, ông thường đến khu hàng cột bình đài ở tầng thấp, dưới chân cụm tháp để thắp nén hương.

Dựa trên kiến trúc còn lưu lại, với các hàng cột lớn, lý giải cho rằng đây là cụm kiến trúc mang công năng cho người hành hương sau chuyến đi mệt nhọc, có chỗ nghỉ chân, sắp lại lễ vật, chỉnh đốn trang phục, chuẩn bị tâm hồn trước khi lên hành lễ nơi tháp chính.

Thắp xong nén hương, ông thành kính cầu nguyện, rì rầm những câu từ mà chỉ mình ông thấu hiểu nhất. Nhìn cách ông nguyện cầu, cứ như đang chuyện trò, tâm sự, sẻ chia với mẹ những vui buồn cuộc sống. Chẳng lễ vật cao sang, chỉ đơn sơ nén hương, và tấm lòng của người con tìm về bên mẹ, nhưng hình ảnh ấy mang lại thật nhiều cảm xúc.

Giữ đạo, đi đạo, sống đạo… là việc làm của người có tín ngưỡng, có niềm tin, nhưng trong xu thế của kim tiền, của nhịp sống nặng về vật chất, việc thực hành tín ngưỡng đã ít nhiều bị thị trường hóa, đẹp lễ, tốt lễ, đắt lễ để dễ kêu, để mong cầu gì được nấy. Rồi có khi cả năm mới được đôi lần bước vào chốn thiêng, chỉ lúc nào cần xin khấn mới vào, còn lúc dư thừa, no đủ thì chỉ lo thụ hưởng. Ngày đi lễ thì sắm mâm cúng cho thật đẫy đà, đẹp ở mắt mà kém ở nội dung vì toàn hàng mã, tiền lẻ, nhưng trong tâm trí toàn chuyện vay mượn, xin khấn cho được giàu sang, trúng quả đổi đời… thật là một bất công.

Nhìn lại hình ảnh ông cụ người Chăm ở tháp Bà khi lên đền thờ, đơn sơ, giản dị, lặng lẽ như cái bóng, nhưng mang lại cảm giác thật bình an.

Di sản Việt I Truong Viet Anh