Chúa Bà Lê Mại Đại Vương chính là hiện thân của Mẫu Thượng Ngàn tại vùng đất Bắc Lệ, Lạng Sơn. Nam xưa ngài được Vua Lê Thái Tổ sắc phong hiệu là Lê Mại Đại Vương để tưởng nhớ đến công ơn phù trợ giúp đỡ Vua Lê đánh thắng giặc ngoại xâm.
“Tiếng anh linh vang lừng thế giới
Sắc tặng phong Lê Mại Đại Vương
Thông minh chính trực cương thường
Lại thêm tinh tú đoan trang hay là
Vốn sinh ra hình dong tươi tốt
Da tựa ngà má phấn môi son”
Thần tích về Chúa bà Lê Mại Đại Vương – La Bình Công chúa
Có rất nhiều sự tích nói về về hiện thân của Mẫu Thượng Ngàn, mặc dù vậy những câu chuyện này đều không miêu tả rõ ràng về lai lịch của ngài nhưng đều mang những ý nghĩa tôn kính gắn với những truyền thuyết của người Việt và được lưu truyền rộng rãi qua nhiều thế hệ. Trong số đó là câu chuyện về La Bình Công Chúa
La Bình Công Chúa là con gái của Đức Tản Viên Sơn Thánh và công chúa Mỵ Nương (con gái vua Hùng). Ngay từ nhỏ La Bình đã luôn theo cha đi đến khắp mọi miền núi non hang động để giúp dân làm ăn, chỉ dân cách chăn nuôi, xây dựng nhà cửa xóm làng,… Dưới sự quan sát và dạy dỗ của phụ mẫu cùng sự nhạy bén trong nhận thức từ những ngày đi theo cha xuôi ngược khắp miền rừng núi, La Bình lớn lên trở thành cô gái đức hạnh, thông minh sáng dạ, tài sắc vẹn toàn. Cô thường đến những nơi dân chúng cần để chỉ bảo nhân dân thay cha mỗi khi cha bận việc mà không thể đi. Những lần như thế, La Bình luôn tỏ rõ khí chất bản lĩnh, biết tự chủ trong giao tiếp và thành thạo trong mọi công việc. Cô được các sơn thần, tù trưởng và dân sinh vô cùng yêu quý, kính trọng và coi là người đại diện xứng đáng của Tản Viên Sơn Thánh. Bản thân cô cũng rất đỗi hòa đồng với mọi người và cả cỏ cây, hoa lá, chim muông xung quanh.
Khi Đức Tản Viên và Mỵ Nương theo lệnh của Ngọc Hoàng Thượng Đế về trời và trở thành vị thánh bất tử, La Bình cũng được phong là Công chúa Thượng Ngàn. Cô tiếp tục thay cha đảm nhận công việc dưới trần, trông coi tất cả 36 động sơn trang, 81 cửa rừng cùng nhiều vùng núi non trung du khác ở khắp mọi miền đất nước. Trở thành chúa Thượng Ngàn, ngài vẫn luôn tận tâm ra sức làm tròn các trọng trách của mình và không ngừng học hỏi tiếp thu. Ngoài việc dạy bảo con người như những gì cha ngài đã chỉ dạy, ngài vẫn luôn học hỏi kinh nghiệm từ các tù trường, sơn thần các vùng. Cũng như bảo ban các loài chim muông, cầm thú cách sống hòa hợp, an toàn và tránh được nguy hiểm thiên tai. Không chỉ vậy, Ngài còn toàn tâm toàn ý nghĩ ra cách cải tiến và hoàn thiện thêm những gì mà trước kia, cha Ngài mới chỉ là bắt đầu. Nhờ vậy, nhân dân không những được sống no đủ mà còn được tận hưởng cái đẹp, cái hay. Những ngôi nhà bấy giờ không chỉ chắc chắn mà còn được trang trí, chạm trổ đẹp đẽ. Ở mũi các thuyền độc mộc cũng có khắc cả hình hai đầu rồng hoa văn tinh xảo, uy nghi. Các món ăn giờ đấy không còn đơn thuần là luộc, kho mà còn được sáng tạo nhiều cách nấu mới. Công việc đồng áng đã có sự giúp sức từ các ống dẫn nước, phân phát hạt giống đi mọi nơi. Ngài còn đem về thêm nhiều giống gia súc mới và hoa thơm cỏ lạ. Ngọc Hoàng Thượng Đế thấy được những điều đó đã ban tặng cho Ngài thêm nhiều phép thuật thần thông và Ngài trở thành vị Thánh bất tử của miền Thượng Ngàn để luôn luôn gần gũi, gắn bó với những nơi có miền núi trung du núi non hùng vĩ cõi trần, âm phù cho sự bình yên của mọi người dân nước Việt.
Nhất là trong các cuộc chiến công quân sự của các triều đại Việt Nam. Tiêu biểu là trong khởi nghĩa Lam Sơn của Lê Lợi, Ngài đã hóa thành bó đuốc lớn soi đường cho quân sĩ trong đêm tối và dẫn dắt tướng lĩnh Lam Sơn đi tới vùng đất Mường Yên về cơ sở núi Chí Linh, tránh được sự bao vây của quân Minh vào đúng lúc lực lượng quân ta đang suy yếu.
Ngài linh thiêng đến mức chỉ quân sĩ của Lê Lợi biết được, còn quân Minh không thể nào nhìn thấy. Nhớ ơn sự phù hộ che chở của Chùa bà Thượng Ngàn, sau khi hòa bình được lập lai, vua Lê Thái Tổ đã sắc phong ngài là Lê Mại Đại Vương Diệu Tín Thiền sư. Còn nhân dân tôn xưng Ngài là Chúa Thượng Ngàn hay Mẫu Thượng Ngàn. Từ đó đến nay, đền Mẫu Thượng Ngàn nơi chính thờ Bắc Lệ, mà còn được dựng lên ở nhiều nơi. Người ta vẫn truyền tai nhau rằng khi đi rừng muốn được bình yên, vạn sự tai qua nạn khỏi, thường đến cầu xin sự che chở, phù trợ của ngài. Ai muốn săn bắt hay khai thác thứ gì trong rừng cũng phải đặt lễ, thắp hương, cầu xin để được Chúa chấp thuận.
Ngày 20/2: Tiệc Mẫu Đệ Nhị Thượng Ngàn ( tức Lê Mại Đại Vương, sơn trang công chúa)
Bản văn chầu Lê mại Chúa Tiên
Hương một triện lòng thành dâng tiến
Khói ngạt ngào thấu đến cửa thiêng
Thỉnh mời Lê Mại Chúa Tiên
Núi Dùm chúa ngự ,trấn miền Tuyên Quang
Đức Chúa Ngàn con vua Đế Thích
Giáng Sinh vào dấu tích Lê gia
Năm Thìn tháng hai mồng ba
Đỉnh sinh tiên chúa khai hoa trần thì
Vẻ nhan sắc phương phi yểu điệu
Nét dịu dàng dương liễu tốt tươi
Dung nghi vốn sẵn tự trời
Môi son má phấn miệng cười như hoa
Mái tóc mây da ngà điểm tuyết
Đôi mày ngài vẻ nguyệt tô son
Càng nhìn càng thắm càng giòn
Cổ cao ba ngấn mặt tròn khuông trăng
Tay tháp bút hàm răng ngọc thạch
Tai hoãn vàng hổ phách kim cương
Quần chân áo chít khác thường
Chân đi hài sảo tựa nhường khai hoa
Đầu nón chiêng lẵng hoa hầu quải
Lưng đai xanh bồ đẫy dao quai
Trên đầu lược giắt trâm cài
Chí cha chí chố nói lời sơn trang
Ba mươi sáu động tiên nàng hộ tống
Bảy mươi hai sơn lũng các lang
Tiếng Kinh tiếng Mán tiếng Mường
Tiếng Châu Quan Hoả khác thường trần gian
Thoi bán nguyệt hò khoan đủng đỉnh
Đàn ngũ âm tang tính tình tang
Buồm giương bẻ lái hò khoan
Chèo sang Bát Hải lại sang Ngũ Hồ
Chèo khắp hết sông Ngô bể Sở
Lại chèo vào cho tới Thiên Thai
Chèo vào cho tới Bồng Lai
Chơi hồ Ba Bể mười hai cửa ngàn
Rừng hoè quế rừng lan rừng cúc
Rừng bạch mai rừng trúc rừng thông
Non cao uốn lượn khúc rồng
Bốn bề điệp điệp trùng trùng nhấp nhô
Cảnh thiên tạo như tô như vẽ
Đền Ỷ La mọi vẻ mọi xinh
Tam Cờ gió mát trăng thanh
Dạo chơi rừng Cấm tốt xanh rườm rà
Nước chảy ra minh đường tụ thuỷ
Ngôi đền thờ tú khí chung linh
Thấp cao vạn tượng thiên hình
Thượng cầm hạ thú sơn tinh mọi loài
Bầy điểu thú hươu nai hổ báo
Đủ muôn loài sà giảo sài lang
Chim kêu vượn hót trên ngàn
Suối reo nước bạc cá vàng chầu lên
Đứng đôi bên long rờn phượng múa
Xếp hai hàng chầu Chúa Sơn Trang
Khi chơi cung cấm Quảng Hàn
Hà Giang, Bắc Mục toà vàng thảnh thơi
Có phen chơi thanh sơn bích động
Lệnh truyền đòi các chúng sơn tinh
Ngắm xem sơn thuỷ hữu tình
Khen ai khéo đúc hoạ hình thiên nhiên
Đức Thánh Mẫu Chúa Tiên hiển hiện
Đền Ỷ La cung điện nguy nga
Đồng Đăng ao cá quê nhà
Đông Cuông Tuần Quán Bảo Hà miếu thiêng
Hiển thánh tích lưu truyền vạn đại
Sắc tặng phong Lê Mại Đại Vương
Thông minh chính trực khác thường
Ra tay sát quỷ bốn phương thái hoà
Khắp trong nước trẻ già trai gái
Đội ơn bà mạnh khoẻ sống lâu
Muôn dân lễ bái kêu cầu
Sở nguyện như ý sở cầu tòng tâm.
Văn khấn Chúa Bà Lê Mại Đại Vương
(Các thông tin ở trên chỉ mang tính chất tham khảo)
Nam Mô A Di Đà Phật
Nam Mô A Di Đà Phật
Nam Mô A Di Đà Phật
Con lạy chín phương Trời, con lạy mười phương Chư Phật, Chư Phật mười phương.
Con dốc lòng kính lạy Đức Chúa Bà Thượng Ngàn đỉnh thượng cao sơn triều mường Sơn Tinh Công Chúa Lê Mại Đại Vương Ngọc Điện Hạ tối tú tối linh, cai quản ba mươi sáu động cùng tám mươi mốt cửa rừng trong cõi Nam giao.
Con kính lạy chư Tiên, chư Thánh, chư Thần, cùng Bát Bộ Sơn Trang, thập nhị hai tiên nàng sơn lâm sơn trang, văn võ thị vệ, Thánh Cô Thánh Cậu, Ngũ Hổ Thần Xà Đại Tướng.
Đệ tử con là:………………………….
Cùng toàn gia quyến đẳng, ngụ tại:…………………………….
Hôm nay nhân ……chúng con nhất tâm nhất lễ đến trước cửa Chúa Thượng Ngàn Lê Mại Đại Vương thắp nén tâm hương thành kính dâng lên Chúa Bà Thượng Ngàn tối linh.
Cúi xin Chúa lượng cả bao dung, thể đức hiếu sinh, ra tay cứu vớt che chở, độ trì cho chúng con cùng cả gia quyến đẳng bốn mùa được hai chữ bình an, tám tiết hưng long thịnh vượng, biến hung thành cát, mọi sự tốt lành cho chúng con.
Nam Mô A Di Đà Phật!
Nam mô A Di Đà Phật !
Nam mô A Di Đà Phật !
Sưu tầm